Tăng cường trồng theo hướng an toàn, VietGAP, đồng thời triển khai mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, cây có múi tại Bắc Giang đã đem lại giá trị cao.
Hơn 5.000 tấn trái cây có múi được tiêu thụ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiêu thụ hơn 5 nghìn tấn cam, bưởi, tập trung nhiều ở các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên và Yên Thế. Trong đó, Lục Ngạn là vùng trồng nhiều trái cây có múi nhất.
Năm nay, diện tích bưởi toàn tỉnh đạt 5,47 nghìn ha, sản lượng ước đạt 40,5 nghìn tấn, đã thu hoạch hơn 2,5 nghìn tấn. Phần đã cho thu hoạch chủ yếu là bưởi da xanh với giá bán từ 25-40 nghìn đồng/kg (cao hơn từ 5-10 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước), tiếp đó là bưởi đào đường, giá từ 10-15 nghìn đồng/quả.
Đối với cam, diện tích đạt hơn 3,4 nghìn ha, sản lượng ước 35 nghìn tấn (giảm khoảng 7 nghìn tấn so với vụ trước). Hiện nay các chủ vườn đã thu hoạch hơn 2,5 nghìn tấn và chủ yếu là cam lòng vàng, giá bán từ 15-20 nghìn đồng/kg.
Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ trái cây có múi
Riêng tại huyện Lục Ngạn, thời điểm này là đầu vụ, sản lượng được thu hoạch chưa nhiều nên tiêu thụ khá thuận lợi. Nhiều thương nhân đưa xe vào tận vườn thu mua sản phẩm với giá cao. Có thời điểm, giá bưởi da xanh lên đến 50 nghìn đồng/kg, cam cara ruột đỏ 60 nghìn đồng/kg.
Để có được kết quả này, theo UBND huyện Lục Ngạn, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn đã quan tâm áp dụng phương pháp chăm sóc cam, bưởi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng chất lượng sản phẩm. Diện tích sản xuất cây ăn quả áp dụng quy trình VietGAP của huyện ngày càng tăng (hiện đạt hơn 2,3 nghìn ha), ngoài ra có hơn 10 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến nay, huyện đã có 3 mã bưởi xuất khẩu sang Hoa Kỳ với diện tích 30 ha; vùng trồng bưởi xuất khẩu sang Nga đạt hơn 164 ha…
Ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, mục tiêu địa phương hướng đến không phải là số lượng có thêm nhiều vườn cam, bưởi mà là phải có nhiều vườn thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Để đạt được mục tiêu này cùng với hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người dân, hỗ trợ tiêu thụ, huyện Lục Ngạn sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm đến nhiều thị trường hơn. Tuy nhiên, để có những vườn cam, bưởi tiền tỷ, nông dân cũng cần mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, quan tâm ứng dụng kỹ thuật để rải vụ, tập trung thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, bằng việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây có múi, nhiều nông dân có thu nhập cao từ cây trồng này. Ghi nhận tại xã Thanh Hải - vựa cây có múi của huyện cho thấy, với gần 800 ha trồng cam, bưởi, mỗi năm nông dân trong xã thu khoảng 120 tỷ đồng, trong đó có hơn chục hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm.
Điển hình, với 250 cây bưởi các loại (bưởi Diễn, da xanh, Phúc Trạch), mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Dũng - thôn Tân Trường thu hoạch 3,5 vạn quả. Với giá bán từ 15-20 nghìn đồng/quả, vợ chồng ông thu về 500 triệu đồng. Hay như gia đình ông Vi Văn Báo - thôn Sẻ Mới cũng thu hơn 500 triệu đồng từ cây cam Vinh mỗi năm.
Thực tế, dù đã bén duyên với mảnh đất Lục Ngạn khoảng hơn 20 năm song vài năm gần đây, giá trị cây có múi mới được khẳng định. Mỗi năm, cây cam, bưởi mang về tổng giá trị từ 1,7 - 2,2 nghìn tỷ đồng cho người dân.
Mặc dù vậy, do đây là cây trồng khó tính, dễ nhiễm bệnh nên để giữ ổn định nguồn thu, đòi hỏi người nông dân cần có kỹ thuật chăm sóc, lựa chọn nguồn giống tốt, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, nông dân các địa phương đã mạnh dạn đầu tư, đưa vào sử dụng các loại phân bón hữu cơ, sản xuất theo quy trình VietGAP.
1 tỷ đồng xúc tiến thương mại cho sản phẩm cây có múi
Theo UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), năm 2023, diện tích cây có múi trên địa bàn huyện là hơn 4,2 nghìn ha (giảm 2,5 nghìn ha so với năm 2022), sản lượng ước đạt 40 nghìn tấn (cam 19 nghìn tấn, bưởi 17 nghìn tấn, cây có múi khác 4 nghìn tấn).
Diện tích cam, bưởi sản xuất theo quy trình VietGAP đạt hơn 2,3 nghìn ha. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng cuối tháng 9/2023 đến cuối tháng 2/2024.
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia thu hoạch, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, năm nay huyện Lục Ngạn dành kinh phí 1 tỷ đồng thực hiện các hoạt động hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi, sản phẩm đặc trưng.
Theo đó, huyện sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam, bưởi, các sản phẩm đặc trưng và Chương trình du lịch “Lục Ngạn - Điểm hẹn mùa quả chín” ngay trong tháng 11. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam, bưởi trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ các nhà vườn được lựa chọn đón đoàn khách tham quan và hỗ trợ các hợp tác xã du lịch tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch…
Qua đây, địa phương kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa thương hiệu nông sản, quảng bá hình ảnh du lịch Lục Ngạn và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng cây ăn quả. Kết nối giữa nhà nông với doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị cho một số sản phẩm cây ăn quả chủ lực của huyện theo hướng bền vững.
Bảo Ngọc
Nguồn: https://congthuong.vn/bac-giang-tang-cuong-xuc-tien-thuong-mai-tim-dau-ra-cho-trai-cay-co-mui-284312.html